Khi nhắc dến dòng gốm Raku, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến tổ tiên gia tộc Raku- những người làm ra chawan (bát trà) đầu tiên. Với lớp men đơn giản đỏ hoặc đen và những chi tiết, đường nét mềm mại tạo ra cảm giác rất gần gũi với đất sét, là sản phẩm hoàn hảo làm nổi bật màu xanh sống động của matcha (bột trà xanh) trong nghệ thuật trà đạo. Khi chăm chú ngắm nhìn bát trà, ta sẽ có cảm giác như đang nhìn ngắm cả vũ trụ ẩn chứa trong đó. Cùng DIMO tìm hiểu lịch sử hình thành của dòng gốm đặc biệt này nhé.
Lịch sử hình thành gốm Raku
Vào thế kỷ XVI, nghệ nhân gốm tên là Chojiro đã tiên phong sáng tạo nên những sản phẩm Raku và đặt tên cho những sản phẩm đầu tiên là imayaki – có nghĩa là thiết bị hiện đại. Sau đó, được biết đến với tên gọi Juraku-yaki (sau này gọi vắn tắt là Raku). Tên gọi này bắt nguồn từ tên một cung điện ở Kyoto được xây dựng bởi các lãnh chúa lớn Toyotomi Hideyoshi. Theo chữ Kanji, Raku có nghĩa là “dễ dàng và hưởng thụ”.
Gốm Raku được nung ở nhiệt độ thấp, kỹ thuật nung này cho ra các sản phẩm có cốt gốm đối mềm, xốp và dễ vỡ nhưng khi chạm vào lại tạo cảm giác nhẹ và tinh tế. Điều quan trọng và đặc biệt nhất là đồ gốm Raku không sử dụng kỹ thuật bàn xoay, nó được làm bằng cách dùng tay để nặn đập, tạo dáng sản phẩm. Quá trình này được gọi là Tebineri. Cách thức sử dụng tay để điêu khắc, tạo dáng nghe có vẻ đơn giản nhưng để có thể đạt được độ uyên thâm và truyền đạt cảm xúc của người thợ gốm đến người thưởng trà là điều không hề dễ dàng.